Trò chơi dân gian giúp trẻ làm quen môi trường xung quanh

SỬ DỤNG TRÒ CHƠI DÂN GIAN NHẰM GIÚP TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH 

* Tóm tắt: Trò chơi dân gian là một trong những loại trò chơi yêu thích của trẻ. Khi chơi, trẻ được thoả mãn nhu cầu chơi, nhu cầu khám phá thế giới xung quanh, nhu cầu được hoạt động trí tuệ. Sử dụng trò chơi dân gian nhằm giúp trẻ mầm non làm quen môi trường xung quanh chính là thực hiện việc thoả mãn nhu cầu chơi của trẻ đồng thời cung cấp, củng cố kiến thức, tạo cơ hội cho trẻ vận dụng kiến thức, kinh nghiệm trong các hoạt động, rèn luyện, phát triển các kĩ năng nhận thức, các kĩ năng xã hội và tạo cơ hội cho trẻ phát triển các ý tưởng sáng tạo và đặc biệt là khám phá thế giới rộng lớn xung quanh. 

Từ khoá: Trò chơi dân gian; Môi trường xung quanh; Làm quen với môi trường xung quanh

Trò chơi dân gian giúp trẻ làm quen môi trường xung quanh

1. Mở đầu 

Môi trường xung quanh là tất cả các yếu tố xung quanh bao gồm cả môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống, sự phát triển và sinh sản của sự sống. Môi trường xung quanh gồm: môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. 

Cho trẻ mầm non làm quen với môi trường xung quanh chính là việc giáo viên tạo ra các điều kiện, cơ hội và tổ chức các hoạt động để trẻ tích cực tìm tòi, phát hiện những điều thú vị về các sự vật, hiện tượng xung quanh trẻ. 

Với trẻ mẫu giáo, vui chơi là hoạt động chủ đạo và được xem là hình thức tổ chức quá trình sư phạm ở trường mầm non, chơi là phương tiện giáo dục quan trọng để tổ chức các hoạt động học tập và giáo dục trẻ em lứa tuổi mẫu giáo. 

Trò chơi của trẻ rất phong phú và đa dạng, trong các loại trò chơi ở trường mầm non thì trò chơi dân gian được các nhà giáo dục sử dụng làm phương tiện giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách trẻ. 

Thực tế cho thấy, trò chơi dân gian được sử dụng ở trường mầm non đã đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ và trẻ rất hứng thú với các trò chơi này bởi lẽ, trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích, cá tính khác nhau của nhiều trẻ trong cùng độ tuổi như: sôi nổi, điềm đạm hay trầm tính. 

Mỗi loại trò chơi có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau khiến cho trẻ chơi suốt ngày mà không chán. Hơn nữa, các trò chơi dân gian thường giản tiện, không cầu kỳ, tốn kém nên có thể chơi dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong thiên nhiên, trong cuộc sống hàng ngày. 

Như vậy, trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là trò chơi mang tính giải trí, phát triển vận động mà còn có cả ý nghĩa giáo dục, mở rộng nhận thức cho trẻ. Sử dụng trò chơi dân gian nhằm cho trẻ làm quen với môi trường xung là điều cần thiết. 

2. Nội dung 

2.1. Một số vấn đề chung về trò chơi dân gian nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường xung quanh 

2.1.1. Khái niệm trò chơi dân gian 

* Trò chơi dân gian là một trong những giá trị trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị tinh thần được xuất phát từ lịch sử, từ lao động, từ văn hóa, đời sống của chúng ta. 

Theo từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1992 có viết rằng: Trò có nghĩa là một hình thức mua vui, bày ra trước mắt chúng ta, chơi có nghĩa là các hoạt động của lúc con người chúng ta nhàn rỗi. Trò chơi nghĩa là những hoạt động của con người mang tính chất giải trí mua vui làm quên đi những mệt mỏi, những lo toan của cuộc sống.

Trò chơi dân gian là những trò chơi được nhân dân sáng tác lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong dân gian, là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian của mỗi dân tộc. 

* trò chơi dân gian trẻ em là một loại hoạt động văn hoá dân gian dành cho trẻ em được lưu truyền từ vùng này sang vùng khác, từ đời này qua đời khác nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí và giáo dục trẻ em một cách nhẹ nhàng và tinh tế. 

2.1.2. Đặc điểm của trò chơi dân gian trẻ em 

- Trò chơi dân gian trẻ em dễ dàng phổ biến rộng rãi, không chịu sự ràng buộc một cách nghiêm ngặt về không gian và thời gian, trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. 

- Trò chơi dân gian trẻ em đơn giản, dễ chơi, dễ hoà nhập. Ở bất cứ đâu, trong gia đình, lớp học hay ngoài ngõ xóm... đều có thể tổ chức các trò chơi phù hợp. 

- Vật liệu để chơi trò chơi dân gian trẻ em cũng rất đơn giản, dễ kiếm, dễ tìm ngay trong thiên nhiên. 

- Trò chơi dân gian trẻ em không chỉ mang tính học tập mà nó còn mang tính vận động. Với những trò chơi dân gian chứa đựng nhiệm vụ học tập, trong khi chơi nhiệm vụ nhận thức được thực hiện dưới hình thức chơi vui vẻ, thoải mái. 

- Trò chơi dân gian trẻ em Việt Nam hầu hết đều gắn liền với các bài đồng dao. Đó là những câu vè ngắn gọn, có nhịp điệu, âm thanh được sử dụng trong khi chơi. 

 - Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non có thể tổ chức rất linh hoạt, trẻ có thể chơi một mình hoặc số đông trẻ cùng tham gia chơi. 

2.1.3. Ý nghĩa của trò chơi dân gian đối với sự phát triển của trẻ mầm non 

-Trò chơi dân gian là một hoạt động có tác động mạnh mẽ đến trẻ em, nó là phương tiện giáo dục nhân cách toàn diện cho trẻ mầm non. Trước hết, trò chơi dân gian cung cấp cho các em những kiến thức xã hội cần thiết cho cuộc sống của trẻ. 

Trong khi chơi, trẻ tiếp thu được những điều hay lẽ phải, rèn luyện được những thói quen cần thiết cho cuộc sống hiện thực và sau này một cách tự nhiên, thoải mái. 

- Trò chơi dân gian là phương tiện giáo dục thái độ đúng đắn trong các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên cho trẻ mầm non. 

- Trò chơi dân gian Việt Nam rất giàu yếu tố tưởng tượng. Trong khi chơi, trẻ biết lấy vật tượng trưng thay thế cho vật thật, biết đóng vai này hay vai khác trong thế giới trò chơi do trẻ con tạo ra... nhờ đó mà trí tưởng tượng sáng tạo của trẻ được phát triển. 

- Trò chơi dân gian là phương tiện phát triển ngôn ngữ có hiệu quả. Khi tham gia chơi, trẻ được ca hát, nhảy múa, đối đáp... Qua đó, vốn từ của trẻ được phong phú, ngôn ngữ mạch lạc. 

- Trò chơi dân gian là phương tiện giáo dục thể chất cho trẻ một cách có hiệu quả. Khi tham gia vào trò chơi vận động dân gian, các vận động cơ bản của trẻ được rèn luyện, nhờ đó trẻ trở nên nhanh nhẹn, khéo léo, hoạt bát trong hoạt động. 

- Trò chơi dân gian còn có ý nghĩa trong việc rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ. Quan sát kĩ ta thấy các trò chơi thường được lặp đi lặp lại có khi hàng chục lần mà trẻ em vẫn không thấy chán, nhờ sự lặp đi lặp lại đó kĩ năng được thành thạo, ấn tượng, biểu tượng về thực tiễn cuộc sống được củng cố vững chắc. 

- Đối với trẻ em Việt Nam ngày nay, trò chơi dân gian góp phần hình thành nên nhân cách văn hóa mang bản sắc dân tộc Việt Nam. 

2.1.4. Mục đích của việc tổ chức trò chơi dân gian nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường xung 

- Giúp trẻ trau dồi, củng cố tri thức, rèn luyện kĩ năng nhận thức (quan sát, ghi nhớ, tư duy...), kĩ năng vận động (chạy, nhảy, ném...) cùng các phẩm chất trí tuệ, thể chất và phẩm chất nhân cách khác. Trợ giúp quá trình tiếp thu, củng cố và vận dụng kiến thức, kĩ năng khi làm quen với môi trường xung. 

- Đem lại cho trẻ hứng thú nhận thức, hứng thú vận động. Trẻ hào hứng với các con vật, cây cối trong trò chơi. Trẻ say sưa vượt chướng ngại vật để trở thành người đầu tiên về đích... nuôi dưỡng ở trẻ nhu cầu và sự ham thích hoạt động tích cực nhất là nhu cầu sử dụng thời gian tự do vào những hoạt động, đòi hỏi sự nỗ lực trí tuệ. 

 - Rèn luyện cho trẻ cơ hội lựa chọn cách thức hành động: sự phối hợp, tuần tự, sắp xếp thứ tự các quá trình phát triển của đối tượng hoặc trình tự thực hiện quá trình lao động... 

- Tạo cơ hội để trẻ vận dụng kiến thức vào những tình huống đa dạng, phát triển óc sáng tạo cho trẻ khi làm quen với môi trường xung. 

- Rèn luyện ý chí, tính trung thực, khả năng tự kiềm chế, tự kiểm soát... khi làm quen với môi trường xung và góp phần chuẩn bị cho trẻ vào phổ thông. 

2.2. Sử dụng trò chơi dân gian nhằm giúp trẻ làm quen với môi trường xung 

2.2.1. Sưu tầm và lựa chọn hệ thống trò chơi dân gian nhằm cho trẻ làm quen với môi trường xung 

- Yêu cầu: Những trò chơi dân gian được lựa chọn cần phải phù hợp với nhiệm vụ cho trẻ làm quen với môi trường xung và phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ. Các trò chơi dân gian được lựa chọn phải hấp dẫn trẻ, tạo điều kiện để trẻ “học mà chơi, chơi mà học” từ đó kích thích hứng thú của trẻ khi chơi, phát huy tính tích cực, độc lập, linh hoạt, sáng tạo của từng cá nhân cũng như của tập thể trẻ. 

Nguyên vật liệu sử dụng trong các trò chơi phải dễ kiếm, dễ tìm, phải tận dụng được các nguyên vật liệu có trong thiên nhiên, trong lớp học của trẻ, phù hợp với cơ sở vật chất của từng lớp, từng trường và có thể tổ chức cho trẻ chơi ở mọi lúc, mọi nơi, trong nhiều hoạt động khác nhau. 

- Cách tiến hành

+ Sưu tầm các trò chơi dân gian từ nhiều nguồn khác nhau như: sách, báo, mạng Internet hoặc sưu tầm các trò chơi dân gian ở từng địa phương bằng cách quan sát và ghi chép các trò chơi đầu xuân, trao đổi, trò chuyện với các già làng, các cụ già để tìm hiểu thêm về các trò chơi dân gian. 

+ Lựa chọn trò chơi dân gian và phân loại chúng theo các nội dung giáo dục để sử dụng vào quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung. 

+ Sắp xếp các trò chơi dân gian đã được lựa chọn thành một hệ thống các trò chơi từ dễ đến khó theo nhu cầu nhận thức để tiện cho việc sử dụng chúng vào trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung. 

2.2.2. Tạo môi trường tổ chức các trò chơi dân gian phù hợp với việc cho trẻ làm quen với môi trường xung 

- Yêu cầu: Việc xây dựng môi trường cần phải đáp ứng và thoả mãn một số yêu cầu giáo dục như: thuận tiện, an toàn, vệ sinh, không gây nguy hiểm cho trẻ, hấp dẫn, có sức cuốn hút trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được tự do, thoải mái, độc lập, sáng tạo trong khi chơi. Đặc biệt môi trường chơi đó phải tạo cho trẻ ý muốn được chơi tiếp và gợi mở, phát triển ý đồ chơi, hoạt động chơi của trẻ. 

 - Cách tiến hành: Giáo viên bố trí chỗ chơi, địa điểm chơi, trang trí, sắp xếp đồ dùng đồ chơi mầm non một cách đa dạng và hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của trò chơi dân gian và nội dung cho trẻ làm quen với môi trường xung. 

Bên cạnh những đồ chơi ngoài trời sẵn có trong lớp, mỗi buổi chơi giáo viên thường xuyên tìm kiếm và dần bổ sung thêm các nguyên vật liệu thiên nhiên, đồ phế liệu để thay đổi cách thức chơi các trò chơi dân gian như: hột, hạt, sỏi đá, vỏ sò, vỏ hến, giấy, bìa, lá cây, cây que... Điều này sẽ thôi thúc trẻ tích cực tham gia tìm hiểu, khám phá, phát hiện cái mới lạ trong trò chơi. 

Để phát huy hết vai trò của trò chơi dân gian trong quá trình cho trẻ làm quen với môi trường xung, giáo viên cần phải nhanh nhạy, linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức tạo môi trường chơi cho trẻ hoạt động, để khuyến khích trẻ tham gia vào các trò chơi và tích cực giải quyết các nhiệm vụ chơi. 

Giáo viên lựa chọn vị trí chơi đảm bảo rộng rãi, thoáng mát, an toàn, vệ sinh phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong từng hoạt động, từng trò chơi. Luôn đảm bảo cho trẻ có một không gian hợp lí, khoa học, hấp dẫn phát huy được tính tích cực nhận thức, độc lập, sáng tạo của trẻ nhằm nâng cao hiệu quả làm quen với môi trường xung. 

Các góc chơi phải bố trí phù hợp để thuận tiện trong việc triển khai và thay đổi hoạt động của cô và trẻ. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào yêu cầu và nhiệm vụ của hoạt động giáo viên có thể tổ chức trò chơi dân gian ở các chỗ chơi, địa điểm chơi khác nhau như: trong phòng, ngoài hiên, trong các góc chơi, ngoài sân trường, dưới gốc cây... 

2.2.3. Phân nhóm cho trẻ chơi trò chơi dân gian dưới nhiều hình thức chơi 

- Yêu cầu: Giáo viên cần nắm được nhu cầu hứng thú, trình độ nhận thức, năng lực nhận thức, năng lực hành động của từng trẻ, trên cơ sở đó điều chỉnh nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức chơi phù hợp với tập thể, nhóm và với từng cá nhân trẻ. 

Cần dựa vào nội dung của hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung để lựa chọn hình thức tổ chức trò chơi (cá nhân, theo nhóm hay tập thể). Cần nắm vững ưu điểm và hạn chế của từng hình thức mà có sự vận dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức các trò chơi dân gian với việc cho trẻ làm quen với môi trường xung. 

- Cách tiến hành: Tổ chức cho trẻ làm quen với môi trường xung qua trò chơi dân gian dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuỳ thuộc vào nội dung của hoạt động, không gian tổ chức… giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức trò chơi cho phù hợp (cá nhân, nhóm nhỏ, tổ, nhóm lớn, tập thể lớp...), phát huy được tính tích cực, chủ động của trẻ khi tham gia vào trò chơi trên cơ sở đó cho trẻ làm quen với môi trường xung. 

Ví dụ: Trong trò chơi “Cua cắp bỏ giỏ” giáo viên có thể tổ chức cho 2 trẻ cùng thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian nhất định. Sau khi kết thúc thời gian chơi giáo viên yêu cầu trẻ phân loại những đồ vật mà trẻ đạt được theo các dấu hiệu khác nhau sau đó cho trẻ so sánh số lượng mà trẻ A đạt được với trẻ B để giữa trẻ nảy sinh yếu tố thi đua, cạnh tranh nhau. 

Điều này sẽ tạo ra hứng thú làm tăng mức độ củng cố biểu tượng của đối tượng vừa được làm quen. Trò chơi này cũng có thể chơi theo nhóm, giáo viên phân trẻ làm 2 đội cùng thực hiện nhiệm vụ, trong một thời gian nhất định, kết quả số lượng đội nào nhiều hơn thì sẽ giành phần thắng. 

Tuy nhiên tuỳ thuộc vào từng nhiệm vụ, nội dung giáo dục mà giáo viên đưa ra yêu cầu cụ thể cho trẻ. Trong quá trình tổ chức, giáo viên luôn khuyến khích, nâng đỡ, hỗ trợ trẻ một cách hợp lý. 

2.2.4. Tạo ra những tình huống chơi hấp dẫn mang tính có vấn đề 

- Yêu cầu: Sử dụng tình huống chơi hấp dẫn mang tính vấn đề cần đảm bảo được các yêu cầu sau: Các tình huống tạo ra phải phù hợp với vốn kinh nghiệm sống, sự hiểu biết và hứng thú của trẻ để trẻ có thể tự mình giải quyết được các tình huống. Tình huống đặt ra phải giải quyết các nhiệm vụ chơi các trò chơi dân gian. 

Để thu hút sự chú ý và gây hứng thú ở trẻ, giáo viên có thể đưa ra các tình huống sao cho trẻ chú ý theo dõi, tự đặt câu hỏi, tự giải đáp những thắc mắc nảy sinh, yêu cầu trẻ phải tập trung cao độ để lĩnh hội các sự kiện, sự vật đó. Chính sự chú ý đó làm cho nhận thức của trẻ trở nên tích cực: trẻ phải tiến hành hàng loạt các thao tác như: quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp để giải quyết nhiệm vụ của trò chơi đã đặt ra. 

- Cách tiến hành: Trong quá trình tổ chức các trò chơi dân gian, giáo viên có thể chủ động tạo ra các tình huống chơi có sức hấp dẫn với trẻ như: làm phức tạp dần các tình huống chơi, nâng cao yêu cầu của trò chơi, nâng cao mức độ khó của nhiệm vụ, luật chơi và hành động chơi, đặt câu hỏi hoặc đưa trẻ vào các hoạt động tìm kiếm đơn giản, đưa thêm các dấu hiệu bổ sung hướng sự chú ý của trẻ vào vấn đề vừa xuất hiện bắt buộc trẻ phải suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề. 

Tình huống chơi thường được tiến hành vào đầu giờ học hay trước mỗi phần của hoạt động, trò chơi nhằm mục đích cung cấp, hình thành các biểu tượng mới, rèn luyện, củng cố kiến thức, kĩ năng trẻ đã biết. 

Tuỳ vào từng nhiệm vụ các tình huống có vấn đề được sử dụng khác nhau. Các tình huống có vấn đề được tạo ra ẩn dưới các thủ thuật của biện pháp trò chơi (thời điểm bất ngờ, tìm kiếm, thi đua). Tuy nhiên khi sử dụng các tình huống hấp dẫn mang tính có vấn đề cần phải chú ý đến mức độ nhận thức của trẻ để đưa ra các tình huống từ dễ đến khó phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. 

Ví dụ: Trò chơi “Đố lá”, cô tạo tình huống “Hái thuốc chữa bệnh”, trẻ trong vai thầy thuốc đi tìm lá thuốc chữa bệnh, mỗi trẻ phải tìm đủ từ 4 tới 7 loại lá khác nhau kết hợp lại mới chữa khỏi bệnh được. Trò chơi “Thả diều”, giáo viên đưa ra tình huống có vấn đề bằng cách bày các nguyên vật liệu: Cây que, dây dù, giấy, hồ dán, kéo... cho trẻ nói suy nghĩ của mình khi trả lời các câu hỏi: Những nguyên vật liệu này dùng để làm gì? Để làm được diều cần có những vật liệu gì? Có bao nhiêu loại? Các tình huống đưa ra phải bất ngờ, mới lạ làm cho trẻ chú ý và mong muốn tìm cách giải quyết. 

Giáo viên không đưa ra cách giải quyết cụ thể, không làm hộ trẻ mà tạo điều kiện cho trẻ tự tìm kiếm phương tiện để thực hiện nhiệm vụ, vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã biết vào các tình huống mới. Giáo viên cần động viên, khuyến khích trẻ suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề đặt ra. 

2.2.5. Sử dụng phối hợp các biện pháp khác nhau để tổ chức, hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi dân gian 

- Yêu cầu: Sử dụng phối hợp các nhóm phương pháp, biện pháp để tổ chức trò chơi dân gian nhằm cho trẻ làm quen với môi trường xung cần đảm bảo một số yêu cầu sau: Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và bổ sung lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Đảm bảo tính cụ thể, thường xuyên và hệ thống, phát huy tính tích cực của trẻ trong mỗi trò chơi. 

Đảm bảo được xúc cảm, ấn tượng vui vẻ của trẻ trong hoạt động, tránh gò bó, áp đặt. Phải tạo cho trẻ cảm giác hài lòng khi giải quyết xong nhiệm vụ chơi. Hướng tới tích cực hoá quá trình nhận thức của trẻ trong khi chơi các trò chơi dân gian. 

Tổ chức trò chơi dân gian với việc cho trẻ làm quen với môi trường xung được tiến hành trong tất cả các hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung (trên tiết học, hoạt động ngoài trời, hoạt động góc...). 

Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của nó, giáo viên cần phải phối hợp giữa các nhóm phương pháp thực hành, trực quan và phương pháp dùng lời trong quá trình tổ chức trò chơi dân gian nhằm hình thành biểu tượng về môi trường xung quanh cho trẻ, kích thích và lôi cuốn trẻ đến với trò chơi, phát huy được tính tích cực của trẻ trong từng trò chơi. 

Giáo viên phối hợp phương pháp trực quan (quan sát vật mẫu, hành động mẫu, tranh ảnh, phim) với dùng lời (trao đổi, đưa ra các câu hỏi, nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, lời gợi ý, giảng giải, giải thích...) cùng với thực hành để tổ chức trò chơi đạt kết quả cao nhất. 

- Cách tiến hành: Sử dụng phối hợp các phương pháp trực quan, dùng lời với thực hành để lôi cuốn và khuyến khích trẻ đến với trò chơi dân gian nhằm cho trẻ làm quen với môi trường xung (ví dụ: trò chơi “Cua cắp”, “chuyền thẻ”, “ô ăn quan”, “đố lá”, “bắt vịt dưới nước”...). 

Giáo viên giới thiệu về các trò chơi dân gian, giới thiệu một số hình ảnh hoạt động về các trò chơi dân gian, kết hợp với dùng lời để giảng giải, giải thích về cách chơi, luật chơi, tạo cho trẻ động lực, lòng mong muốn được tham gia vào trò chơi mới lạ. 
  • Nhưng cái chính ở đây là trẻ phải biết: 
  • Làm thế nào để chơi được trò chơi? 
  • Cần có bao nhiêu đồ vật, đồ chơi? 
  • Có bao nhiêu bạn chơi? 
Làm cách nào để cho các nhóm chơi có số lượng đồ chơi bằng nhau?... sau đó tập cho trẻ chơi cùng cô để tạo cho trẻ hứng thú với trò chơi. 

 Ví dụ: Trò chơi “Bắt vịt dưới nước, bắt vịt trên cạn”, giáo viên trò chuyện với trẻ về các hoạt động lễ hội diễn ra vào mùa xuân, cụ thể: Vào tháng 2, ở các vùng quê thuộc tỉnh Bắc Ninh thường tổ chức các trò chơi, trong đó có trò chơi “bắt vịt dưới nước”. Ban tổ chức sẽ thả một đàn vịt xuống ao, ai xuống ao bắt được thì con vịt đó sẽ thuộc về mình. Giáo viên kết hợp cho trẻ xem một số hình ảnh về hoạt động này để kích thích trẻ tham gia vào trò chơi dân gian. 

Cho trẻ quan sát tranh ảnh, sơ đồ, hoạt động mẫu, cho trẻ làm quen với các loại đồ chơi, vật liệu chơi kết hợp với lời nói (đàm thoại, thảo luận cùng với trẻ về các loại đồ dùng, vật liệu chơi, đặt câu hỏi, lời gợi ý ngắn gọn dễ hiểu về đồ dùng, đồ chơi đó, phân loại, so sánh số lượng đồ dùng đồ chơi và nắm được mục đích sử dụng nó... 

Giáo viên chơi cùng trẻ hoặc gợi ý, hướng dẫn cho trẻ tự xác định số lượng, phân loại và chơi với nhau. Trong quá trình trẻ chơi, cô đứng ngoài bao quát các nhóm chơi, chú ý theo dõi trẻ thực hiện nhiệm vụ. Cô tạo điều kiện giúp đỡ trẻ tự mình tìm kiếm phương thức giải quyết nhiệm vụ được giao bằng cách đưa ra những câu hỏi định hướng, ngắn gọn, những lời đề nghị nhằm giúp trẻ đạt kết quả cao. 

Tuy nhiên, tuỳ vào từng nhiệm vụ nhận thức, nội dung của trò chơi dân gian để giáo viên xác định lựa chọn phương pháp, biện pháp cho phù hợp, phát huy thế mạnh của từng phương pháp với việc cho trẻ làm quen với môi trường xung qua trò chơi dân gian. 

Như vậy, bằng việc việc kết hợp giữa các biện pháp trực quan, dùng lời và thực hành giáo viên giúp trẻ dễ dàng nắm bắt được nhiệm vụ chơi và tìm cách giải quyết chúng theo khả năng, dựa vào vốn kinh nghiệm của trẻ.

Giáo viên không chỉ giao nhiệm vụ chơi cho trẻ mà còn chỉ cho trẻ cách thực hiện nó (qua hành động mẫu và qua lời hướng dẫn). Bằng cách đó, giáo viên tổ chức cho trẻ tham gia vào trò chơi dân gian nhằm cho trẻ làm quen với môi trường xung. 

2.2.6. Động viên, khuyến khích trẻ trong khi chơi trò chơi dân gian 

- Yêu cầu: Giáo viên cần phải quan sát quá trình chơi của trẻ để động viên, khuyến khích kịp thời, tạo hứng thú cho trẻ tham gia chơi. Nhắc nhở, đánh giá của giáo viên cần phải chính xác, khách quan và luôn mang tính chất khích lệ, tránh nói nặng nề, xúc phạm trẻ. 

Lựa chọn hình thức động viên, khuyến khích phù hợp với từng trò chơi và hoàn cảnh chơi. Tạo không khí thi đua giữa các cá nhân, nhóm trẻ để thúc đẩy trẻ thi đua thực hiện nhiệm vụ của trò chơi. 

- Cách tiến hành: Giáo viên có thể dùng các hình thức thi đua, động viên, khuyến khích, khen ngợi để tạo cơ hội cho trẻ được luyện tập và thỏa mãn trong khi chơi. Để tạo cơ hội cho trẻ tích cực tham gia vào các trò chơi dân gian nhằm nâng cao hiệu quả làm quen với môi trường xung, giáo viên cần phải dựa vào đặc điểm tâm sinh lý, mức độ nhận thức kiến thức, kĩ năng ở trẻ để lựa chọn trò chơi và hình thức động viên, khuyến khích phù hợp 

 Thực hiện việc động viên, khích lệ dưới nhiều hình thức khác nhau như: nhắc nhở, khen ngợi, thi đua, nêu gương... tạo cơ hội cho trẻ tích cực thực hiện các nhiệm vụ chơi nhất là khi trẻ tham gia vào các trò chơi dân gian. 

Khi sử dụng biện pháp này cần phải thay đổi các hình thức chơi phù hợp với từng hoàn cảnh và tình huống chơi: 

+ Hình thức khen ngợi có tác dụng củng cố nhận thức, củng cố niềm tin và động viên trẻ noi theo, vì vậy khi khen ngợi phải xác đáng. 

+ Với hình thức nhắc nhở, cô giáo nhắc nhở trẻ chơi đúng luật chơi và cách chơi để thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong trò chơi. Nhắc nhở ở đây nhằm khích lệ, động viên chứ không nhằm răn đe, doạ dẫm trẻ. 

+ Trong quá trình tổ chức trò chơi dân gian nhằm mục đích nâng cao hiệu quả làm quen với môi trường xung cho trẻ, hình thức thi đua là để động viên, khuyến khích, tạo bầu không khí thi đua giúp trẻ tích cực tham gia giải quyết nhiệm vụ được giao ví dụ trò chơi “cua cắp bỏ giỏ”, “cướp cờ”, “hứng dừa”... 

2.3. Một số yêu cầu đối với giáo viên mầm non trong việc tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ làm quen với môi trường xung 

- Tổ chức để trẻ chơi hứng thú, tích cực, bổ ích: Tổ chức cho tất cả trẻ chơi một cách tự do, hứng thú, tích cực với những trò chơi đa dạng, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi. 

- Phát triển khả năng chơi của trẻ: Cần trợ giúp sự phát triển khả năng chơi của trẻ về mọi mặt, mở rộng nội dung chơi, nâng cao mức độ khó của trò chơi, nâng cao kĩ năng chơi và khả năng phối hợp của trẻ khi chơi. 

- Quan sát trẻ chơi: Bao quát tất cả các trẻ khi chơi, nắm bắt được tình hình chơi của trẻ và từng nhóm trẻ. Kịp thời phát hiện và giải quyết những tình huống nảy sinh trong trò chơi và định hướng những việc làm tiếp theo cho lần chơi tới. 

- Cần phải căn cứ vào chủ đề, chủ điểm giáo dục mà lựa chọn trò chơi dân gian cho phù hợp với chủ đề, chủ điểm và độ tuổi của trẻ. 

- Xác định thể loại của trò chơi, mục đích yêu cầu cần đạt khi tổ chức trò chơi dân gian đó. Chuẩn bị chu đáo đồ chơi, đồ dùng phù hợp với trò chơi. 

- Nếu là trò chơi có kèm đồng dao thì bên cạnh cách chơi, cô cần cho trẻ học thuộc lời đồng dao trước khi chơi. 

- Lần chơi đầu, nhất là trẻ nhỏ, cô cần giới thiệu tỉ mỉ luật chơi, cách chơi và chơi thử cùng vài trẻ nhanh nhẹn, tháo vát để trẻ quan sát, hình dung cách chơi và có hứng thú vào trò chơi. 

- Đối với trẻ nhỏ (tuổi nhà trẻ và mẫu giáo bé), cô tham gia cùng chơi với trẻ (cầm cái, vừa thực hiện hành động chơi, thao tác chơi vừa hát để trẻ bắt chước vừa hát vừa thực hiện hành động). Đối với trẻ lớn (mẫu giáo nhỡ, mẫu giáo lớn), cô tạo điều kiện để trẻ tự tổ chức trò chơi dân gian (lúc đó cô giữ vai trò là người cố vấn, trọng tài cổ vũ và động viên trẻ chơi). 

Nhiều trò chơi dân gian có thể tổ chức cho các độ tuổi khác nhau, tuỳ thuộc vào hứng thú, khả năng chơi của trẻ. 

- Cần giúp trẻ đoàn kết - hợp tác với nhau trong khi chơi, không tranh giành, chen lấn, phá ngang trong khi chơi. - Rèn luyện cho trẻ thói quen cần thiết khi kết thúc chơi (tự lực, tự giác, gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp...). 

3. Kết luận 

Trong các hoạt động ở trường mầm non, trò chơi vừa là hình thức, phương tiện, biện pháp giáo dục cho trẻ vừa đáp ứng nhu cầu nhận thức, vui chơi của trẻ; trò chơi còn phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ do đó nó mang lại hiệu quả cao trong giáo dục phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Sử dụng trò chơi dân gian nhằm cho trẻ làm quen với môi trường xung là một cách làm hiệu quả và dễ thực hiện. 

Khi sử dụng, giáo viên cần lựa chọn trò chơi phù hợp và theo hệ thống; tạo môi trường tổ chức trò chơi hấp dẫn, hợp lý; phân nhóm cho trẻ chơi với nhiều hình thức khác nhau; tạo tình huống chơi hấp dẫn với những vật liệu chơi gần gũi, dễ kiếm...; sử dụng và phối hợp một cách linh hoạt các biện pháp tổ chức chơi; động viên khuyến khích trẻ chơi vui tươi, chủ động... 

Tuy vậy, để đạt được hiệu quả cao trong quá trình tổ chức, giáo viên cần chú ý những yêu cầu nhất định. Có như vậy, công tác chăm sóc giáo dục trẻ nói chung và hoạt động cho trẻ làm quen với môi trường xung nói riêng ngày càng chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục mầm non

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Lê Bạch Tuyết (2000), 101 Trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non, NXB Giáo dục, Hà Nội. 

2. Nguyễn Thị Hoà (2009), Giáo trình Giáo dục học Mầm non, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội. 

3. Đinh Văn Vang (2009), Tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ mầm non, NXB Giáo dục, Hà Nội. 

4. Trần Thị Hồng (2014), Đề tài cấp trường “Xây dựng nội dung và triển khai giảng dạy học phần Khám phá khoa học và MTXQ cho sinh viên khoa mầm non theo hướng tích hợp”. 

5. Trần Thị Hồng (2016), Giáo trình Phương pháp khám phá khoa học và môi trường xung quanh, Trường CĐSP Đà Lạt. 

6. Trần Thị Hồng (2018), Giáo trình Giáo dục học Mầm non, Trường CĐSP Đà Lạt.
Blog mầm non

Diễn đàn cung cấp giáo án mầm non, tài liệu giảng dạy mầm non, bài giảng mầm non hay, giáo án lớp lá, giáo án nhà trẻ, giáo án lớp mầm, giáo án lớp lá, giáo án lớp chồi, nơi giao lưu giữa các giáo viên mầm non việt nam

Đăng nhận xét

➔ Gửi kèm hình ảnh trên bài viết để được hỗ trợ tốt nhất.
➔ Để bình luận kèm hình ảnh, bạn vào trang Upload Ảnh, kéo thả để Upload hình ảnh lên.
➔ Bạn dán URL link hình ảnh vào khung bình luận và ấn Xuất bản, ảnh sẽ được tự động tải lên.
➔ Không spam trong khung bình luận, hạn chế viết tắt.
➔ Tích vào ô Thông báo cho tôi (Notify me) để nhận thông báo phản hồi của Admin

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2