BÁO CÁO CÁC BIỆN PHÁP HIỆU QUẢ TRONG CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ
Đề tài: “Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi trong trường mầm non”.
1. Đặt vấn đề
“Hiền dữ đâu phải tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Thật vậy: Nếu trẻ em được sống trong một môi trường giáo dục tốt thì trẻ sẽ có những đức tính tốt, ngược lại trẻ sống trong một môi trường thiếu giáo dục thì nhân cách của trẻ sẽ phát triển không tốt. Chính vì vậy việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng, đó chính là một trong những bước hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ sau này.
Hiện nay ở trong các gia đình trẻ em được quá chiều chuộng, luôn là vệ tinh trung tâm để mọi người xoay quanh và đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ. Thậm chí phụ huynh còn làm hộ trẻ tất cả mọi việc mà chưa chú ý đến việc dạy trẻ kỹ sống cho trẻ, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ không có kỹ năng tự phục vụ bản thân mình.
Và việc bố mẹ quá lạm dụng khi cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử dẫn đến trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với mọi người xung quanh, chính vì thế mà khả năng giao tiếp và thích nghi với cuộc sống của trẻ còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Là một giáo viên mầm non tôi nhận thấy việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi là một việc làm hết sức cần thiết. Ở độ tuổi này trẻ bước đầu được làm quen với các kỹ năng như giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, khả năng thích nghi và thích khám phá thế giới xung quanh. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài “Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi trong trường mầm non”.
Xem thêm: Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ 24 - 36 tháng tuổi
2. Khó khăn
Năm học 2022 - 2023, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm nhóm trẻ 24-36 tháng tuổi, với sĩ số 20 trẻ trong quá trình thực hiện đề tài tôi đã gặp một số khó khăn như sau:
Thứ nhất là: Trẻ mới đi học còn quấy khóc, chưa có thói quen nề nếp ở trường, kỹ năng phát âm của trẻ còn rất kém, trẻ còn rụt rè trong giao tiếp.
Thứ hai là: Đa số phụ huynh nuông chiều con quá mức nên trẻ rất ương bướng khó bảo. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Thứ ba là: Nhận thức của phụ huynh trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ còn hạn chế. Phụ huynh chưa tin tưởng vào khả năng của trẻ mà thường làm hộ trẻ tất cả mọi công việc dẫn đến đứa trẻ không có kỹ năng tự lập.
Trước khó khăn trên, tôi đã nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng một số biện pháp như sau:
3. Biện pháp
Biện pháp 1: Xác định nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp độ tuổi để dạy trẻ.
- Kỹ năng tự phục vụ: Biết cất dép đúng nơi quy định, biết cất ba lô đúng tủ của mình, biết nhặt cơm rơi vãi vào đĩa, đa số trẻ biết tự xúc cơm ăn, biết lấy và cất đồ dùng đồ chơi học tập đúng nơi quy định.
- Kỹ năng giao tiếp: Trẻ biết chào hỏi lễ phép, biết lắng nghe cô nói và trả lời câu hỏi của cô khi được hỏi, trẻ tự tin giao tiếp với mọi người.
- Kỹ năng tự nhận thức: Trẻ tò mò ham hiểu biết, thích khám phá thế giới xung quanh. Trẻ nhận biết được tên, tuổi của mình, người thân.
- Kỹ năng hợp tác: Trẻ biết kết hợp với bạn khi chơi. Trẻ biết đoàn kết với bạn. Trẻ có thái độ cư xử đúng mực với bạn và mọi người xung quanh.
Thông qua việc xác định được những kỹ năng sống cơ bản cần cung cấp cho trẻ ở trên đã giúp tôi thuận tiện trong quá trình dạy các kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt.
Biện pháp 2: Tạo môi trường giáo dục.
Đối với trẻ mầm non thì môi trường hoạt động có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ. Đó là nơi để trẻ tiếp xúc hàng ngày, để trẻ học tập và vui chơi. Vì vậy ngay từ đầu năm học tôi trang trí lớp lớp học theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng các góc hoạt động mang tính mở. Đồ dùng đồ chơi được sắp xếp khoa học phù hợp với từng chủ đề và thuận tiện cho trẻ khi sử dụng.
Ví dụ: Trong lớp học tôi đã lựa chọn một vị trí thích hợp để tiến hành xây dựng góc “Bé thực hành kỹ năng sống” cho trẻ hoạt động. Thông qua góc chơi trẻ được khám phá, thực hành và trải nghiệm những kỹ năng sống khác nhau.
Tất cả đồ dùng đồ chơi và tranh ảnh trong góc đều do tôi tự tay tạo ra từ nguyên vật liệu là phế thải có sẵn ở địa phương nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn khi cho trẻ sử dụng. Đồ dùng đồ chơi mầm non và tranh ảnh được thay đổi thường xuyên phù hợp với nội dung của từng kỹ năng khác nhau.
Hay ở khu vực đón trả trẻ, tôi dán ảnh của trẻ vào tủ cá nhân để trẻ dễ dàng nhận biết và ở khu vực để giá dép tôi trang trí hình ảnh các bước lấy cất dép để trẻ có thể thực hiện theo.
Biện pháp 3: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong các hoạt động và ở mọi lúc mọi nơi
* Dạy các kỹ năng sống thông qua giờ đón, trả trẻ
Đối với giờ đón, trả trẻ tôi ân cần và chuẩn mực trong cách xưng hô, giao tiếp với cha mẹ trẻ, tập cho trẻ chào thưa lễ phép với cô giáo và bố mẹ. Đồng thời tôi tập trung rèn cho trẻ kỹ năng tự phục vụ như: lấy và cất dép, cất balo của mình gọn gàng ngăn nắp. Khi trẻ thực hiện tôi quan sát xem trẻ đã làm đúng và ngăn nắp chưa từ đó có những hướng dẫn uốn nắn kịp thời cho trẻ.
* Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua hoạt động học
Ngay từ đầu năm học, đối với các tiết học kỹ năng sống ở buổi chiều tôi thực hiện theo đúng kế hoạch đã xây dựng. Mỗi tiết dạy tôi luôn chú trọng đến việc chuẩn bị chu đáo đồ dùng trực quan cho cô và trẻ. Các tiết học đều được tổ chức theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, cô giáo chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ giúp trẻ phát huy khả năng, thế mạnh của mình từ đó phát triển những kỹ năng sống tốt hơn.
Ngoài ra tôi còn lồng luồn tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng sống một cách nhẹ nhàng, linh hoạt vào các hoạt động học trong ngày.
Đối với giờ học phát triển thể chất: Ngoài việc dạy trẻ các kiến thức, kỹ năng về vận động, thông qua đó tôi còn giáo dục trẻ biết thường xuyên rèn luyện cơ thể để khỏe mạnh. Trẻ biết trong khi tập luyện không chen lấn, xô đẩy nhau mà phải xếp hàng chờ tới lượt.
Đối với hoạt động làm quen tác phẩm văn học tôi luôn lựa chọn những câu truyện, bài thơ nói về tinh thần đoàn kết, hợp tác với nhau, tình cảm yêu quý bạn bè, tình cảm gia đình, bé yêu lao động, tính trung, dũng cảm để giáo dục trẻ.
VD: Qua câu chuyện “Đôi bạn tốt” tôi đã tính hợp để giáo dục trẻ về tình đoàn kết thương yêu biết giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.
Đối với hoạt động giáo dục âm nhạc dạy trẻ hát bài hát “lời chào” qua bài hát cô dạy trẻ thói quen chào hỏi lễ phép.
* Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua hoạt động vui chơi.
Đối với trẻ mầm non hoạt động vui chơi chiếm vai trò chủ đạo trong hoạt động của trẻ ở trường mầm non. Thông qua các góc chơi trẻ được thực hành trải nghiệm với các vai chơi khác nhau, từ đó trẻ có được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, biết thể hiện tình cảm đến mọi người xung quanh. Khi tổ chức hoạt động vui chơi tôi chú trọng đến việc tạo ra các tình huống khi trẻ đóng vai để trẻ tự tìm cách giải quyết.
Ví dụ ở góc phân vai với trò chơi em búp bê, tôi tạo tình huống em búp bê quấy khóc và đói bụng tôi đã gợi ý để trẻ tìm ra cách giải quyết như là: bế em búp bê lên, vỗ về cho em nín, khi em đói cần phải nấu bột cho em búp bê, xúc bột bón cho búp bê qua đó trẻ biết cách cầm thìa cầm bát và biết quan tâm đến mọi người xung quanh.
Ảnh Trẻ chơi hoạt động góc
Qua hoạt động vui chơi tôi còn dạy cho trẻ những thói quen tốt: như là cất đồ chơi trong lớp đúng nơi quy định sau khi chơi, lần đầu cô có thể hướng dẫn trẻ làm cùng cô sau đó cho trẻ tự làm cô quan sát và sửa sai cho trẻ. Cứ như vậy tạo cho trẻ có nề nếp và thói quen lấy, cất đồ dùng,đồ chơi đúng nơi quy định.
Ảnh: trẻ cất đồ dùng đồ chơi
Hay thông qua hoạt động dạo chơi ngoài trời khi tổ chức hoạt có chủ đích tôi thường lồng ghép các nội dung giáo dục giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, yêu thiên nhiên, biết chăm sóc và bảo vệ cây không ngắt lá bẻ cành cây.
* Dạy trẻ kỹ năng sống thông qua giờ ăn, ngủ.
Ảnh: Giờ ăn của trẻ
Biện pháp 4: Phối hợp với phụ huynh học sinh để dạy kỹ năng sống cho trẻ.
Không phải phụ huynh nào cũng hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, vì vậy công tác tuyên truyền với phụ huynh là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi tuyên truyền với phụ huynh bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền với phụ huynh qua các giờ đón trả trẻ, qua các buổi họp phụ huynh học sinh, qua bảng tuyên truyền của lớp học và qua nhóm Zalo phụ huynh của lớp học.
Tôi trao đổi và thống nhất với phụ huynh về các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ để phụ huynh rèn thêm cho trẻ khi ở nhà. Khuyến khích phụ huynh tạo điều kiện để trẻ được tự làm những công việc phục vụ bản thân, tránh làm hộ trẻ cho dù trẻ còn lóng ngóng, chậm chạp khi thực hiện.
Sau khi áp dụng các biện pháp rèn các kỹ năng sống cho trẻ tôi đã thu được kết quả cụ thể như sau:
4. Kết quả
* Đối với bản thân
Tôi có thêm kinh nghiệm hơn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi.
Từ việc trẻ có nề nếp, có kỹ năng tự phục vụ sẽ phần nào giúp cô giáo giảm tải áp lực trong công việc.
* Đối với trẻ:
Trẻ lớp tôi có những tiến bộ rõ rệt, trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, đến lớp biết chào hỏi lễ phép và chơi đoàn kết với các bạn. Trẻ đã tự phục vụ trong ăn uống, biết lấy cất các đồ dùng cá nhân.
* Đối với phụ huynh
Phụ huynh có ý thức sâu sắc về việc giáo dục kỹ năng sống cho con và thường xuyên phối hợp với giáo viên để dạy trẻ các kỹ năng sống khi trẻ ở nhà.
Kính thưa ban giám khảo cùng toàn thể hội thi!
Vừa rồi tôi đã trình bày xong báo cáo “Một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 24 - 36 tháng tuổi trong trường mầm non” rất mong được sự đóng góp ý kiến của BGK và bạn bè đồng nghiệp để tôi hoàn thiện bản báo cáo đó để áp dụng vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ được tốt nhất.
Một lần nữa xin chúc BGK cùng toàn thể hội thi lời kính chúc sức khỏe và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Xem thêm: Một số biện pháp tổ chức hoạt động tham quan dã ngoại nhằm rèn kỹ năng sống cho trẻ 4-5 tuổi