Các trò chơi giúp bé nhận biết và làm quen với chữ cái mang lại cho các bé những giờ phút thư giãn, các bé sẽ được tiếp xúc với chữ cái một cách tự nhiên nhất, nhờ đó mà bé sẽ nhận biết tốt, phát âm chính xác âm của 29 chữ cái, đồng thời kích thích sự phát triển về trí tuệ của trẻ.
Các trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái rất hấp dẫn và lôi cuốn trẻ, có vai trò đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ. Bởi ở lứa tuổi mẫu giáo các bé thường học nhanh nhưng quên cũng nhanh. Trẻ hay mất tập trung nên việc dạy trẻ phải khéo léo và đúng cách. Học mà chơi, chơi mà học đan xen nhau.
Ở trường mầm non các giáo viên luôn chú ý tới việc tổ chức các trò chơi giúp bé nhận biết và làm quen với chữ cái làm sao để trẻ có thể nhận biết được các chữ cái một cách tốt nhất. Giáo viên tạo hứng thú cho bé với chữ cái, giúp bé tập trung hơn.
Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi khó nắm bắt tâm lí nhất. Có trẻ hiền nhưng cũng có trẻ hiếu động. Trẻ thường mất tập trung và không quan tâm lời người lớn nói, điều đó khiến cho trẻ không thể thuộc hay nhớ nổi chữ cái,…nguyên nhân làm trẻ ghét học chữ vì nghĩ học chữ đau đầu.
Xem thêm: Download tranh tô màu chữ cái cho bé 5 tuổi có hình mầu mẫu
Giúp bé nhận biết và làm quen với chữ cái qua các trò chơi.
Vì thế nên các trò chơi bé học chữ cái có đóng góp không nhỏ giúp ba mẹ tạo hứng thú cho bé với con chữ, giúp bé tập trung, thích thú hơn khi bắt đầu làm quen với chữ cái.
Giáo viên cũng chú ý hơn trong việc tạo môi trường tiếp xúc cho trẻ với các con chữ để trẻ nhanh thuộc mặt chữ.
Việc tiếp xúc thông qua trò chơi chữ cái cho trẻ mầm non sẽ giúp bé rèn được những kỹ năng cơ bản đầu tiên: cách mở sách như thế nào, cách đọc sách bằng đưa mắt từ trái sang phải, cách đánh vần các con chữ cơ bản….
Hay trẻ được tập đọc chữ to trong truyện, như vậy trẻ sẽ ngày một mở rộng, phát triển ngôn ngữ. Khi trẻ tiếp xúc với các loại sách báo trẻ sẽ tự tin khám phá chúng.
Các trò chơi chữ cái cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ ham khám phá những cái mới mẻ của bài học. Trẻ sẽ tiếp thu và nhớ sâu về cấu tạo chữ được ba mẹ giới thiệu.Từ các chi tiết cơ bản trẻ tích lũy được sẽ thúc đẩy trẻ tìm tòi sáng tạo những cái mới hơn. Tư duy của trẻ ngày càng phát triển. Trẻ sẽ thông minh hơn.
Top 13 Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái hay và thú vị nhất
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái là hoạt động chủ đạo trong nhà trường mầm non. Qua những trò chơi, chúng ta đưa đến trẻ những tri thức cần thiết và phù hợp với đặc điểm của từng lứa tuổi. Cũng như các môn học khác, chúng ta sử dụng những trò chơi và tổ chức những trò chơi đó sẽ nhằm giúp trẻ nhận biết và phát âm đúng âm của 29 chữ cái.
Và trong bài viết hôm nay, Blog Mầm Non xin giới thiệu đến bạn danh sách các trò chơi cho trẻ mầm non làm quen với chữ cái hay và thú vị nhất
Tìm thẻ chữ theo hiệu lệnh của cô
Chuẩn bị:
Mỗi cháu 5-6 thẻ chữ cái đã học
Thẻ chữ cái cho cô.
Cách chơi: Chơi cả lớp hoặc theo nhóm
Cách chơi thứ nhất: Cô đặt thẻ chữ cái lên bàn của cô. Sau đó, cô gọi một cháu lên bàn tìm thẻ chữ cái theo yêu cầu của cô (chữ ă). Cháu được gọi lên tìm đúng thẻ chữ cái (ă) giơ lên cao, quay về phía các bạn và đọc to, rõ rang âm của chữ cái đó. Trẻ đọc đúng – cô khen ngợi, cả lớp hoan hô.
Cách thứ hai: Cô tổ chức cho cả lớp cùng chơi. Cô phát cho mỗi cháu 5-6 thẻ chữ cái đã học. Khi nào cô đọc 1 âm, kèm theo hiệu lệnh là tiếng xắc xô hoặc tiếng gõ. Các cháu tìm trong số thẻ chữ cái mà cô vừa đọc và giơ lên cao
Cô quan sát cả lớp, cháu nào tìm đúng, nhanh và giơ thẻ chữ ngay ngắn, cô khen kịp thời. Cháu nào tìm chưa đúng hoặc giơ ngược thẻ chữ, cô sửa lại cho các cháu.
Ví dụ: Cô đọc âm “d” các cháu tìm thẻ chữ cái "d", giơ lên cao. Trò chơi lại tiếp tục, cô đọc âm khác.
Trò chơi xếp hột (hạt) theo đúng chữ cái
Chuẩn bị:
Số lượng hạt (hạt na, hạt bưởi) hoặc cúc nhựa, sỏi nhỏ…đủ cho các cháu chơi.
Số hạt để cô xếp mẫu.
Mỗi cháu một thẻ chữ cái để làm mẫu.
Hướng dẫn:
Chơi tập thể cả lớp.
Trẻ ngồi trên sàn. Cô phát các hột (hạt) cho từng trẻ. Cô xếp mẫu một chữ cái cho trẻ xem và hướng dẫn trẻ xếp theo thứ tự các nét chữ cái: xếp từ trên xuống, từ trái sang phải (cô có thể làm mẫu 2 lần).
Sau đó, trẻ xếp hột (hạt) thành hình chữ cái.
Cô hướng dẫn trẻ để chữ cái trước mặt, nhìn chữ cái, nhớ cách cô xếp và tự xếp theo thứ tự các nét chữ cái. Trong khi trẻ xếp, cô quan sát và giúp đỡ trẻ khi cần thiết.
Trò chơi tìm chữ cái còn thiếu
Chuẩn bị: 5-6 trẻ vẽ có hình và từ chỉ tên gọi của đồ vật trong hình vẽ (chứa các chữ cái trẻ đã học).
Hướng dẫn:
Chơi tập thể cả lớp.
Cô treo một bức tranh lên bảng. Cô gọi một trẻ lên, trẻ tìm những chữ cái đã được học và đọc to chữ cái đó.Nếu trẻ chưa tìm đúng chữ cái và không phát âm được,cô gọi trẻ khác lên tìm tiếp và phát âm lại cho đúng .Sau đó, cô lần lượt treo tiếp các tranh khác và cho trẻ chơi.
Cô có thể gọi hai trẻ chơi cùng để thi xem ai tìm nhanh và đọc đúng chữ cái. Ví dụ : Cô treo hai tranh "Con voi" và "Con vịt" rồi gọi 2 cháu lên tìm chữ V trong tranh và phát âm chữ V.
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái Xúc xắc kì diệu
Cách chơi: cô cho trẻ ngồi thành 2 hàng ngang, cô gieo xúc ở giữa để tất cả trẻ cùng quan sát được. Cô có 1 quân xúc xắc. Trên các mặt của quân xúc xắc có các chữ cái mà bé đã được học. Cô sẽ tung quân xúc xắc lên và khi xúc xắc rơi xuống sàn, các con nhìn xem mặt phía trên là chữ cái nào và cùng đọc to chữ cái đó.
Luật chơi: khi xúc xắc dừng lại trẻ mới được gọi tên chữ cái
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái “vòng quay kỳ diệu”
Trò chơi sẽ giúp trẻ củng cố nhận biết chữ cái, thao tác nhanh và phát âm đúng các âm đã học. Ở trò chơi này các cô giáo Mầm non chuẩn bị 1 vòng quay có gắn các chữ cái đã học và các chữ cái trẻ vừa mới học được, tương ứng với các ô chữ cái là các chữ cái trong chủ đề.
Cô tổ chức cho trẻ chơi, mời lần lượt từng trẻ lên quay nếu vòng quay dùng lại ở điểm nào thì cô giáo yêu cầu trẻ nói đó là hình ảnh gì và có chữ cái gì? Sau đó cô chia lớp thành 2 nhóm để cho trẻ thi đua nhau chơi. Nếu đội nào có nhiều hình ảnh và chữ cái đúng thì đội đó thắng cuộc.
Trò chơi tìm nhanh - nối nhanh
Mục đích - Yêu cầu:
Trẻ nhận ra các chữ cái o, ô, ơ trong từ.
Trẻ phát âm đúng các chữ cái o, ô, ơ.
Phát triển kỹ năng cầm bút và nối của trẻ.
Cách chơi: Cô cho trẻ quan sát hình, tìm chữ cái o, ô, ơ trong các từ phía dưới hình nối với chữ cái o, ô, ơ. Cô quan sát, động viên trẻ
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái chiếc túi kì diệu
Chuẩn bị: 6 cái túi trên mỗi túi có các chữ cái chữ g, chữ h, chữ l, chữ i…Các thẻ hình các phương tiện giao thông trên đó có các chữ ví dụ hình tàu hỏa trên đó có chữ tàu hỏa…
Cách chơi: Trẻ sẽ nhìn các thẻ hình và phân tích chữ cái có trên thẻ hình sau đó mang thẻ hình đó bỏ vào trong các túi có chữ tương ứng.
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái Cướp cờ
Chuẩn bị:
5 - 6 lá cờ, các lá cờ có gắn chữ cái (các chữ không trùng nhau).
1 ống cắm cờ
Cách chơi:
Chơi cả lớp ở ngoài sân. Chia làm hai đội (số người bằng nhau). Cô vẽ 1 vòng tròn có đường kính là 30cm, đặt ống cắm cờ vào giữa vòng ròn và cắm các lá cờ có gắn chữ cái (lá cờ phải được cắm thẳng để trẻ nhìn rõ mặt chữ).
Từ vòng ròn đặt ống cắm cờ khoảng 3 - 4m ở hai đầu sân cô kẻ một vạch mốc. Cô cho các cháu của hai đội lên đứng ở vạch mốc, quay mặt về phía ống cắm cờ.
Khi nghe hiệu lệnh của cô: Chuẩn bị: "Cướp cờ chữ ơ". Hai cháu chạy nhanh tới lấy cờ có chữ ơ. Cháu nào lấy đúng cờ chữ ơ và chạy nhanh về đội của mình là thắng cuộc (khi lấy cờ không được chạm người vào nhau) Cô lại gọi tiếp hai cháu khác lên cướp cờ. Chơi cho đến hết cờ cắm ở ống. Đội nào lấy được nhiều cờ và đúng chữ là thắng cuộc.
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái Hãy chọn tôi đi?
Trên tay các bé có rổ thẻ chữ cái cô nói tên các chữ cái hoặc cấu tạo các chữ cái. Bẽ hãy tìm nhanh các chữ cái trong rổ giơ lên và đọc chữ cái đó.
- Cô tổ chức cho trẻ chơi:
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ a.
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ ă.
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ â.
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ e.
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ ê.
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ có nét ngang và nét cong tròn hở phải. Đó là chữ gì?
Hãy chọn tôi đi tôi là chữ có nét ngang, nét cong tròn hở phải và chiếc mũ trên đầu.
Cô động viên trẻ chơi, quan sát và sửa sai
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái Nhà của ai
Chuẩn bị: Các ngôi nhà có các chữ cái
Cách chơi như sau: Trẻ chọn cho mình một thẻ chữ mình thích sau đó cùng dạo chơi và hát bài hát “Nhà của tôi” khi nào cô nói tên chữ cái trên ngôi nhà bạn nào có thẻ chữ cái giống với chữ cái trên ngôi nhà đó thì về đúng nhà của mình, bạn còn lại đứng tại chỗ.
- Cô tổ chức cho trẻ chơi: Cô hô : Nhà chữ e, nhà chữ ê, nha chữ â, nhà chữ e, e, â.
- Sau mỗi lần chơi cô và trẻ cùng kiểm tra kết quả và động viên khích lệ trẻ.
Trò chơi giúp bé nhận biết chữ cái ai tinh mắt
Cách chơi như sau: Trên tay trẻ đã có một bông hoa chứa số 1 và số 2. Cô đưa hình ảnh minh họa cùng cụm từ sau đó cô đưa ra các chữ cái chứa trong cụm từ, trong đó có một đáp án đúng, một đáp án sai. Trẻ có nhiệm vụ phải chọn xem đáp án nào là đúng nhé!
Cô đưa hình ảnh có cụm từ theo thứ tự sau: Em bé, yêu mẹ, bàn ghế, ấm chén, mẹ bế bé
Cô đưa đáp án, trẻ chọn sau đó cô đưa đáp án chính xác.
Trò chơi thi xem ai nhanh.
Để chơi được trò chơi cô hãy chia lớp thành 2 tổ xếp thành 2 hàng dọc đứng trước vạch chuẩn. Khi nào nhạc nổi lên các bạn lấy một chiếc cúc áo đính vào một chữ của sân chơi hôm nay song con về cuối hàng, thời gian chơi là một bài hát.
Cô tổ chức cho trẻ chơi
Kiểm tra kết quả: Cho 2 đội kiểm tra chéo nhau
Tuyên bố kết quả
Trò chơi Hoa tìm lá, lá tìm hoa
Chuẩn bị:
Các lá thật, (hoặc làm bằng bìa) mỗi cái lá đều có gắn 1 chữ cái.
Các bông hoa thật (hoặc làm bằng bìa) có gắn chữ cái giống với các chữ cái gắn ở lá
Cách chơi:
Chơi theo nhóm hoặc cả lớp. Chơi ở sân rộng rãi.
Cô chia số trẻ chơi ra làm 2 nhóm. Một nhóm cô phát cho mỗi cháu 1 cái lá có gắn chữ cái. Một nhóm cô phát cho mỗi cháu một bông hoa có gắn chữ cái
Bắt đầu chơi: Cô cho hai cháu đi trong sân vừa đi vừa hát. Khi nghe hiệu lệnh của cô: "Hoa tìm lá" thì những trẻ cầm lá đứng lại - còn những trẻ cầm hoa chạy đến dứng cạnh chiếc lá có gắng chữ cái giống với chữ cái của mình.
Ví dụ: Trẻ cầm hoa có chữ h đến đứng cạnh trẻ cầm lá có gắn chữ h. Cháu nào tìm đến nhanh là thắng - cô kịp thời khen. Trò chơi tiếp tục, cô đổi sang "lá tìm hoa" và cho trẻ đổi hoa, đổi lá cho nhau.Khi trẻ đã chơi quen, cô có thể cho một trẻ đứng lên làm trưởng trò thay cô.
Lời kết
Việc cho trẻ 5- 6 tuổi làm quen chữ cái có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là một trong những điều kiện để chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1. Các trò chơi với chữ là phương pháp giúp trẻ học qua chơi mang lại hiệu quả cao.
Qua các trò chơi, giáo viên đưa trẻ đến những tri thức cần thiết phù hợp với đặc điểm của từng lứa tuổi. Sử dụng và tổ chức các trò chơi giúp trẻ nhận biết và phát âm dùng bảng chữ cái Tiếng Việt
Trên đây là danh sách các trò chơi cho trẻ mầm non làm quen với chữ cái hay và thú vị nhất. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn!
Xem thêm: Giáo án làm quen chữ cái a ă â chủ đề trường mầm non