Thuyết minh về trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi

 {Sáng kiến kinh nghiện mầm non} Thuyết minh mô tả biện pháp: Hướng dẫn trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi.

1. Tên biện pháp: Hướng dẫn trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi.

2. Ngày biện pháp được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử: Tháng 9/2021

3. Các thông tin cần bảo mật (nếu có): Không có

Xem thêm: Biện pháp giúp trẻ 5-6 tuổi học tốt hoạt động làm quen chữ cái

Thuyết minh mô tả biện pháp: Hướng dẫn trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi.

4. Mô tả các biện pháp cũ thường làm:

- Giáo viên đã tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ nhưng thường đưa trò chơi cũ, trẻ tham gia chơi chưa hứng thú.

- Đồ dùng, Đồ chơi giáo dục mầm non chưa phong phú. Nghệ thuật, cách hướng dẫn của cô chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được trẻ.

- Chỉ tổ chức chơi cho 1 nhóm chơi hoặc chơi tập thể dẫn đến việc trẻ được chơi không đồng đều.

5. Sự cần thiết phải áp dụng biện pháp:

Có rất nhiều phương tiện để giáo dục trẻ và trò chơi dân gian là một trong những phương tiện đó. Bởi thông qua trò chơi dân gian trẻ được tiếp xúc với cuộc sống và xã hội của con người Việt Nam, giúp trẻ lĩnh hội được những kinh nghiệm lịch sử xã hội của nền văn hóa loài người. 

Mặt khác, trò chơi dân gian mang tính cộng đồng rõ nét, trong khi chơi trẻ phải biết hợp tác cùng nhau để thực hiện nhiệm vụ chơi chung. Đây chính là môi trường để rèn luyện kỹ năng hợp tác, phát triển ngôn ngữ, tập cho trẻ biết ứng xử và tham gia vào hoạt động cồng đồng.

Thực tế, giáo viên không chú trọng đến việc tích hợp các trò chơi dân gian khi tạo môi trường giáo dục, không trang trí góc “Trò chơi dân gian” trong lớp. Việc đưa ra các câu hỏi, tạo tình huống chơi mang tính hợp tác chưa được giáo viên chú trọng.

Xin lửa” không phải là trò chơi thiên về hoạt động thể chất, đặc tính của trò chơi này là thiên về rèn luyện ngôn ngữ với bài đồng dao trong quá trình chơi.

Nhận thức được tầm quan trọng của trò chơi dân gian đối với sự phát triển của trẻ và đặc tính của trò chơi dân gian “Xin lửa” nên tôi đã lựa chọn nghiên cứu “Biện pháp hướng dẫn trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi” nhằm góp phần tổ chức tốt các hoạt động giáo dục cho trẻ.

6. Mục đích của biện pháp:    

Tôi nghiên cứu biện pháp “Hướng dẫn trò chơi “Xin lửa” cho trẻ 5  - 6 tuổi” nhằm giúp trẻ rèn luyện cách chơi tập thể, biết đoàn kết với các bạn, rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ cho trẻ, từ đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

7. Nội dung: Thuyết minh về trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi

7.1. Thuyết minh biện pháp mới hoặc cải tiến:

- Để thực hiện tốt biện pháp “Hướng dẫn trò chơi dân gian “Xin lửa” cho trẻ 5 - 6 tuổi” tôi tiến hành như sau:

 Bước 1: Sưu tầm trò chơi dân gian “Xin lửa”.

Việc sưu tầm và lựa chọn trò chơi dân gian là một khâu quan trọng trong công tác tổ chức cho trẻ chơi, nó giúp giáo viên tìm được những trò chơi phù hợp với đặc điểm nhận thức, kỹ năng chơi, kỹ năng hợp tác của trẻ. Sưu tầm và lựa chọn được những trò chơi phù hợp sẽ cuốn hút trẻ tích cực, hứng thú tham gia chơi, kích thích trẻ tích cực hợp tác với nhau để giải quyết nhiệm vụ chơi chung.

Trò chơi “Xin lửa” cũng đã phản ánh được phần nào cuộc sống lao động, sinh hoạt của người Việt xưa. Trò chơi “Xin lửa” bản chất là trò chơi dân gian, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, rất khó để xác định được nguồn gốc, thời điểm trò chơi xuất hiện. Để có thể hướng dẫn cho trẻ chơi được trò chơi dân gian “Xin lửa” tôi đã tìm hiểu qua đồng nghiệp, mạng internet…

Hướng dẫn tổ chức trò chơi dân gian XIN LỬA cho các bé
Hướng dẫn tổ chức trò chơi dân gian XIN LỬA cho các bé

Xem chi tiết: Hướng dẫn tổ chức trò chơi dân gian XIN LỬA cho các bé

Trò chơi dân gian là trò chơi được lưu truyền nên khi tìm kiếm tôi đã lựa chọn cách chơi chung nhất, phù hợp với trẻ và trẻ dễ thực hiện nhất để hướng dẫn trẻ chơi.

Bước 2: Tạo môi trường chơi thuận lợi và bầu không khí thân thiện.

Việc tạo môi trường chơi thuận lợi và bầu không khí thân thiện sẽ thúc đẩy trẻ hợp tác với nhau. Việc này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc tổ chức trò chơi dân gian cũng như giáo dục kỹ năng hợp tác cho trẻ trong khi chơi. Tạo môi trường chơi thuận lợi sẽ cuốn hút trẻ tích cực tham gia vào trò chơi. 

Bên cạnh đó, việc tạo môi trường chơi thuận lợi cũng giúp cho giáo viên có cơ hội làm việc với từng nhóm, từng cá nhân, đặc biệt giáo viên sẽ có nhiều thời gian để quan sát đánh giá những biểu hiện của trẻ trong khi chơi. Từ đó điều chỉnh môi trường chơi phù hợp và tìm ra các biện pháp giáo dục phù hợp với trẻ.

Bố trí những đồ chơi liên quan đến các trò chơi dân gian quen thuộc.
Bố trí những đồ chơi liên quan đến các trò chơi dân gian quen thuộc.

Để giúp trẻ hứng thú hơn khi tham gia trò chơi “Xin lửa” tôi đã làm một số đồ dùng để kích thích sự hứng thú chơi ở trẻ như: mũ các con vật, ngọn lửa nhỏ… Khi xây dựng môi trường giáo dục của nhóm lớp, tôi đã bố trí riêng một góc để trẻ có thể chơi những trò chơi dân gian ở đó. Ở góc chơi dân gian, tôi thường bố trí những đồ dung đồ chơi liên quan đến những trò chơi dân gian quen thuộc đối với trẻ như: Ô ăn quan, Cắp cua bỏ giỏ…

Sự thoải mái về tâm lý sẽ giúp trẻ mạnh dạn tự tin hơn trong việc giao tiếp cũng như trong việc phối hợp hành động với các bạn để thực hiện nhiệm vụ chơi. Chính vì vậy, trong quá trình tổ chức trò chơi dân gian tôi đã tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở với trẻ, động viên khuyến khích trẻ mạnh dạn hòa mình với các bạn trong khi chơi bằng cách: Thu hút sự chú ý của trẻ vào trò chơi bằng sự gần gũi, vui vẻ, nhiệt tình của mình, thường xuyên tạo cho trẻ cơ hội được khẳng định mình, được trao đổi, bàn bạc với các trẻ khác trong nhóm chơi. Điều đó sẽ giúp cho trẻ tự tin, mạnh dạn hợp tác với các bạn để cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chơi.

Bước 3: Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi trước khi tổ chức cho trẻ chơi:

* Chuẩn bị đồ dùng:

 Muốn trẻ tham gia vào chơi trò thực sự hứng thú và đạt kết quả cao thì trước khi chơi giáo viên cần phải tìm hiểu trước về cách chơi và luật chơi, cũng như các đồ dùng liên quan đến trò chơi “Xin lửa”, để từ đó có thể chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho trò chơi.

Chuẩn bị mũ các con vật để kích thích hứng thú chơi ở trẻ.
Chuẩn bị mũ các con vật để kích thích hứng thú chơi ở trẻ.

 * Dạy trẻ đọc thuộc lời đồng dao trong trò chơi:

Khác với các trò chơi vận động và các trò chơi khác, trò chơi dân gian trong quá trình chơi trẻ vừa hát hoặc đọc bài đồng dao nào đó. Các bài đồng dao mang đến sự vui tươi và nhí nhảnh nhộn nhịp ở trẻ. Mặc dù, không phải bài đồng dao nào cũng mang lại ý nghĩa cho trẻ, song bài nào cũng phù hợp với tư duy trẻ thơ và hồn nhiên của trẻ.

Với trò chơi “Xin lửa”, tôi đã dạy các con đọc thuộc lời bài đồng dao trước khi chơi. Lời bài đồng dao khá ngắn, có vần, có nhịp nên trẻ rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Xin lửa, lửa tắt

Xin sắt, sắt mòn

Xin con, con hết

Xin tết, tết về

Xin tre, tre ngắn

Xin mắm, mắm còn

Xin dấm, dấm chua

Xin cua, cua cắp.

Tuy rằng lời của bài đồng dao chẳng có ý nghĩa rõ ràng, thế nhưng khi thiếu đi thì trò chơi không thể diễn ra được. Trò chơi chỉ có thể được tổ chức khi trẻ đã thuộc lời đồng dao.

* Phổ biến cách chơi, luật chơi:

Khi trẻ đã thuộc lời đồng dao thì tôi sẽ hướng dẫn cách chơi cho trẻ để trẻ nắm được cách chơi, chơi đoàn kết, đúng luật.

Cách chơi của trò chơi “Xin lửa”:

Trẻ làm “Lửa” thì xoè 2 bàn tay ra, đan các ngón tay vào nhau, úp xuống rồi rút 2 ngón tay út, 2 ngón tay trỏ và 2 ngón cái lên rồi chụm các đầu ngón tay như mái nhà. Trẻ “Xin lửa” thì đưa 2 ngón tay trỏ vào giữa khoảng trống của 2 ngón tay út của trẻ làm “Lửa” và nói “Xin lửa”.

- Lửa: Lửa tắt (gập 2 ngón tay út xuống).

- Xin lửa: Xin sắt (đưa ngón tay trỏ vào giữa của 2 ngón tay trỏ của “Lửa”).

- Lửa: Sắt mòn (gập 2 ngón tay trỏ xuống).

....

- Xin lửa: Xin cua (đưa ngón tay trỏ vào giữa 2 ngón tay cái của “Lửa”).

- Lửa: Cua cắp (2 ngón tay cái kẹp vào ngón tay trỏ của trẻ xin lửa). Trẻ xin lửa phải nhanh tay rút lại không sẽ bị cắp.

Sau đó các bạn nhỏ sẽ đổi vị trí cho nhau và tiếp tục chơi.

Trẻ vui vẻ, hứng thú khi chơi trò chơi “Xin lửa”.
Trẻ vui vẻ, hứng thú khi chơi trò chơi “Xin lửa”.

Khi trẻ đã thuộc lời đồng dao và biết cách chơi, tôi sẽ tổ chức cho trẻ chơi vào các thời điểm trong ngày của trẻ như: Chơi hoạt động theo ý thích, chơi ngoài trời, trò chuyện sáng... Khi chơi trẻ được sử dụng đôi bàn tay khéo léo của mình kết hợp với lời ca của bài đồng dao nên trẻ rất vui vẻ và hứng thú khi được tham gia trò chơi.

Trẻ tự chia nhóm chơi.
Trẻ tự chia nhóm chơi.

Bước 4: Tạo cơ hội cho tất cả trẻ được thực hành, trải nghiệm, hợp tác cùng nhau trong khi chơi.

Tôi đã tạo cơ hội cho tất cả trẻ được tham gia vào trò chơi bằng nhiều cách nhưng có lẽ quan trọng nhất là phải dành cho trẻ có đủ thời gian để chơi. Để có đủ thời gian cho trẻ chơi tôi đã tổ chức cho trẻ chơi vào các thời điểm khác nhau trong ngày và lồng ghép vào các hoạt động: Hoạt động Thể dục, Làm quen với văn học, Hoạt động góc, Hoạt động ngoài trời... Vì vậy, khi tổ chức trò chơi tôi đã khuyến khích động viên tất cả các trẻ tham gia chơi càng đông càng vui.

Trẻ chơi trò chơi “Xin lửa” trong Hoạt động ngoài trời.
Trẻ chơi trò chơi “Xin lửa” trong Hoạt động ngoài trời.

Tôi đã gợi ý để tạo ra các tình huống giúp trẻ có thể tự phân nhóm chơi, tự chọn bạn chơi, tạo điều kiện cho trẻ tích cực, chủ động hơn trong khi chơi. Đối với các trẻ nhút nhát ngại tham gia tôi sẽ cho những bạn nhanh nhẹn, mạnh dạn rủ trẻ vào tham gia nhóm chơi của mình.

Trong quá trình tổ chức cho trẻ chơi tôi vừa quan sát, vừa chơi cùng trẻ để giúp đỡ những cháu có kỹ năng chơi yếu. Đặc biệt tôi luôn động viên, khen ngợi trẻ kịp thời, nhất là những trẻ tự ti, nhút nhát nhằm củng cố niềm tin và động viên những trẻ khác noi theo.

* Kết quả khi thực hiện biện pháp:

       Trong quá trình thực nghiệm trên trẻ lớp 5 tuổi A1 tôi đã thu được kết quả đáng khích lệ.

        Sau khi áp dụng biện pháp có thể thấy rõ sự nổi trội về các kĩ năng khi tham gia các trò chơi của trẻ. Có thể thấy, kĩ năng hợp tác và tư duy ngôn ngữ của trẻ được nâng lên rõ rệt. Trẻ đã biết chơi theo nhóm, tự lựa chọn bạn chơi. Trẻ mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động khác. Vận động của đôi bàn tay cũng khéo léo hơn trước đây.

* Sản phẩm được tạo ra từ biện pháp: Mũ các con vật, các đồ chơi ở góc chơi dân gian…

Sản phẩm được tạo ra từ biện pháp: Mũ các con vật, các đồ chơi ở góc chơi dân gian

7.2. Thuyết minh về phạm vi áp dụng sáng kiến

Đầu tiên tôi chỉ áp dụng biện pháp với bản thân tôi tại lớp mẫu giáo 5 - 6 tuổi A1. Từ kết quả của lớp mình đã đạt được tôi đã mạnh dạn áp dụng sang các lớp khác trong khối của mình. Ngay khi áp dụng thì kết quả của các lớp cũng đạt được kết quả khá cao. Từ hiệu quả đã áp dụng, tôi thấy đề tài có thể áp dụng rộng rãi ở các trường mầm non trong thành phố Bắc Giang.

7.3. Thuyết minh về lợi ích kinh tế, xã hội của giải pháp:

* Đối với trẻ:

Trẻ hứng thú hơn trong khi tham gia các hoạt động.

Trẻ mạnh dạn tự tin hơn, biết cách lắng nghe, chia sẻ với nhau và cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình chơi. Trẻ đoàn kết, biết phối hợp nhịp nhàng khi làm việc theo nhóm.

Trẻ được vận động nhiều hơn, hạn chế sử dụng Tivi và điện thoại…

* Đối với giáo viên:

Giáo viên linh hoạt hơn trong việc tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ. Vận dụng được nhiều hình thức tổ chức hay, không gò bó trẻ giúp cho giáo viên năng động và sáng tạo hơn trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Cả cô và trẻ đều được tìm hiểu nhiều hơn về trò chơi dân gian, giúp duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

* Cam kết: Tôi cam đoan những điều khai trên đây là đúng sự thật và không sao chép hoặc vi phạm bản quyền.

Xem thêm: Top 4 trò chơi dân gian tổ chức tại nhà cho bé mùa Hè 2022

Tác giả biện pháp: Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn

Blog mầm non

Diễn đàn cung cấp giáo án mầm non, tài liệu giảng dạy mầm non, bài giảng mầm non hay, giáo án lớp lá, giáo án nhà trẻ, giáo án lớp mầm, giáo án lớp lá, giáo án lớp chồi, nơi giao lưu giữa các giáo viên mầm non việt nam

Đăng nhận xét

➔ Gửi kèm hình ảnh trên bài viết để được hỗ trợ tốt nhất.
➔ Để bình luận kèm hình ảnh, bạn vào trang Upload Ảnh, kéo thả để Upload hình ảnh lên.
➔ Bạn dán URL link hình ảnh vào khung bình luận và ấn Xuất bản, ảnh sẽ được tự động tải lên.
➔ Không spam trong khung bình luận, hạn chế viết tắt.
➔ Tích vào ô Thông báo cho tôi (Notify me) để nhận thông báo phản hồi của Admin

Mới hơn Cũ hơn

POST ADS1

POST ADS 2