GIÁO ÁN
LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC
HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ KHOA HỌC
Đề tài: Tan và không tan trong nước
Đối tượng: Mẫu giáo bé 3-4 tuổi
Số lượng: 20-25trẻ
Thời gian: 20-25 phút
1.Kiến thức
-Trẻ biết tính chất của nước: Không màu, không mùi, không vị.
-Trẻ biết đường tan trong nước và làm thay đổi vị của nước.
-Trẻ biết dầu ăn không tan trong nước mà nổi trên mặt nước.
2.Kỹ năng:
-Trẻ có kỹ năng: Rót, xúc, khuấy, đổ.
-Phát triển kỹ năng quan sát, nhận xét và dự đoán về sự hòa tan của đường, không tan của dầu ăn trong nước.
-Phát triển khả năng chú ý và trả lời các câu hỏi của cô.
3.Thái độ:
-Trẻ hứng thú, mạnh dạn, tích cực tham gia hoạt động trải nghiệm
-Thái độ ứng xử: nhường nhịn, biết chờ đến lượt mình.
II. CHUẨN BỊ
1. Địa điểm:
- Phòng hội trường
2. Đội hình:
-Trẻ đứng quanh cô
-Trẻ ngồi xung quanh bàn cùng cô
3. Đồ dùng
3.1. Đồ dùng đồ chơi trong lớp của cô
-Nhạc bài hát: “Nước đáng yêu”, chicken dance, nhạc không lời
Xem thêm: 29 trò chơi âm nhạc dành cho trẻ mầm non hướng dẫn chi tiết
-8 bàn chân thấp
-1 khay nhựa; 2 bình đựng nước: 1 bình có dán đường kẻ đỏ, 1 bình có dán đường kẻ xanh; 4 đĩa khăn lau tay; 1 chiếc cốc; 1 chiếc thìa inox; 1 hộp đường có nắp màu cam; 1 hộp dầu ăn có nắp màu xanh;1 bình nước tinh khiết; 1 bình nước đường; nhiều thìa sữa chua.
3.2 Đồ dùng của trẻ
-Mỗi trẻ 1 khay nhựa, 1 chiếc cốc, 1 chiếc thìa inox,1 hộp đường có nắp màu cam, 1 hộp dầu ăn có nắp màu xanh, 1 bình nước tinh khiết.
III. TIẾN HÀNH
Hoạt động của cô | Hoạt động của trẻ |
1. Ổn định tổ chức: - Cô cùng trẻ hát và vận động bài: “Nước đáng yêu” - Cô trò chuyện với trẻ: + Cô và các con vừa hát và vận động bài gì? + Nước có ích lợi gì? - Giáo dục trẻ biết tiết kiệm nước: + Dùng xong phải vặn vòi nước vào ngay. + Khi uống nước chỉ rót đủ uống. - Dẫn dắt trẻ vào bài | Trẻ hát và vận động cùng cô Trẻ trả lời Trẻ trả lời Trẻ lắng nghe Trẻ lắng nghe |
2. Phương pháp, hình thức tổ chức a. Hoạt động 1: Tìm hiểu nước thông qua hoạt động trải nghiệm. *Nước trắng: - Cô cho mỗi trẻ bê một cốc nước về chỗ nào. - Cô hỏi trẻ: + Trong cốc của con có gì? + Các con hãy quan sát xem nước có màu gì? + Hãy ngửi xem nước có mùi gì? + Bây giờ các con cùng uống xem nước có vị gì không ? *Nước đường: - Hai cô rót nước đường cho trẻ nếm thử. - Các con uống thấy có vị gì? -Vị ngọt của nước mà các con vừa nếm không biết do đâu mà có? - Hôm nay cô và các con cùng tìm hiểu nhé! - Mời các con ra giá bê khay đồ dùng của mình về chỗ ngồi! b. Hoạt động 2: Trải nghiệm, thử nghiệm để nhận biết đường tan trong nước còn dầu ăn không tan trong nước *Đường tan trong nước - Cô đưa hộp đường có nắp màu cam ra hỏi trẻ cô có gì đây? - Muốn biết có chính xác không cô mời các con nếm thử nhé! - Các con hãy thử đoán xem khi cho đường vào nước thì điều gì sẽ xảy ra? - Các con rót nước vào cốc nào! - Giờ xúc 2 thìa đường đổ vào cốc nước! - Các con có nhìn thấy đường không? - Các con hãy dùng thìa và khuấy nhẹ nào! - Giờ các con còn nhìn thấy đường không? Đường đâu rồi? -> Khi các con cho đường vào nước, khuấy nhẹ, đường biến mất. Như vậy là đường đã tan trong nước. - Giờ các con cùng nếm xem nước có vị gì? ->Như vậy, khi cho đường vào nước, khuấy nhẹ, đường tan trong nước tạo thành nước đường có vị ngọt đấy! - Theo các con nước đường này dùng để làm gì? - Các con cùng lên đổ nước đường vào bình có vạch kẻ đỏ để lát nữa về lớp chúng mình pha nước cam. *Dầu ăn không tan trong nước - Trong khay của cô và các con còn một hộp có màu xanh không biết đựng chất gì? - Cô cùng các con khám phá tiếp nhé! - Các con hãy rót nước ra cốc nào! - Giờ xúc 3 thìa ở trong hộp có nắp màu xanh đổ vào cốc nước! - Các con hãy dùng thìa khuấy nhẹ nào! - Các con thấy hiện tượng gì? - Váng nổi trên mặt nước chính là dầu ăn đấy! - Đố các con biết dầu ăn dùng để làm gì? - Dầu ăn để rán, xào các món ăn tạo ra các món ăn rất thơm ngon và bổ dưỡng! ->Như vậy là khi cho dầu ăn vào nước, khuấy nhẹ, dầu ăn không tan trong nước. - Cô mời các con đổ cốc nước có dầu ăn vào bình có vạch kẻ xanh để chiều chúng mình cùng khám phá tiếp nhé. * Qua thử nghiệm ngày hôm nay, các con mới biết được đường tan trong nước, dầu ăn không tan trong nước. - Trong thực tế còn rất nhiều chất tan và không tan trong nước. - Con hãy kể tên một số chất tan và không tan trong nước? - Không biết có đúng như các con nói không về lớp cô và các con cùng khám phá tiếp nhé! | Trẻ lấy cốc về chỗ Trẻ trả lời Trẻ quan sát Trẻ ngửi và trả lời Trẻ uống và trả lời Trẻ nếm Trẻ trả lời Trẻ lắng nghe Trẻ bê khay về chỗ Trẻ trả lời Trẻ nếm thử Trẻ dự đoán Trẻ rót nước Trẻ xúc đường Trẻ trả lời Trẻ khuấy Trẻ trả lời Trẻ lắng nghe Trẻ nếm Trẻ lắng nghe Trẻ trả lời Trẻ đổ vào bình có vạch kẻ đỏ Trẻ lắng nghe Trẻ rót nước Trẻ xúc 3 thìa trong hộp. Trẻ khuấy Trẻ trả lời Trẻ lắng nghe Trẻ trả lời Trẻ lắng nghe Trẻ đổ vào bình có vạch kẻ xanh Trẻ lắng nghe Trẻ kể chất tan và không tan |
3. Kết thúc: - Cô cho trẻ chơi trò chơi: “Nước đóng băng” -Trẻ thu dọn đồ dùng cùng cô | Trẻ chơi Trẻ cất đồ dùng |